Lịch sử Hàng Châu

Thời kỳ đầu

Một cái tông 琮 bằng ngọc, dùng để tế đất của nền văn hóa Lương Chữ.

Văn hóa thời đại đồ đá mới Hà Mỗ Độ được biết đến là có phạm vi tại vùng đất mà ngày nay là Dư Diêu, cách phía đông nam Hàng Châu 100 km, từ bảy nghìn năm trước.[1] Cũng chính trong thời gian này, lúa nước lần đầu tiên được trồng ở phía đông nam Trung Quốc.[2] Các cuộc khai quật đã xác định rằng nền văn hóa ngọc thành Lương Chử (được đặt tên theo địa điểm ở phía tây bắc Hàng Châu) có phạm vi nằm ngay tại khu vực xung quanh thành phố Hàng Châu hiện tại khoảng năm nghìn năm trước.[3] Khu phố hiện tại của Hàng Châu xuất hiện đầu tiên trong các văn bản ghi chép là Dư Hàng, một cái tên có thể có nguồn gốc Bách Việt.[4]

Tùy–Đường–Ngũ Đại

Thành Hàng Châu được làm phủ lỵ của Hàng Châu vào năm 589 dưới thời Tùy Văn Đế. Hai năm sau đó, xung quanh thành phố đã được dựng tường thành bao kín. Như một tục lệ thường thấy, tên gọi Hàng Châu được lấy từ đơn vị hành chính thời bấy giờ, cũng giống như một số thành phố khác như Quảng Châu hay Phúc Châu. Hàng Châu là điểm cực nam của Đại Vận Hà, còn điểm cực bắc là Bắc Kinh. Kênh đào này được phát triển qua nhiều thế kỷ nhưng đạt đến chiều dài đầy đủ vào năm 609 dưới thời Tùy Dạng Đế.[5]

Vào thời nhà Đường, danh sĩ Bạch Cư Dị được bổ nhiệm làm thứ sử Hàng Châu.[6] Ngoài việc là một nhà thơ nổi tiếng, thì nhờ những việc làm của mình ở Hàng Châu, Bạch Cư Dị đã được ca ngợi như một viên quan giỏi. Ông nhận thấy rằng vùng đất nông nghiệp gần đó phụ thuộc vào nước Tây Hồ, nhưng do sự bất cẩn của các thứ sử trước đó, con đê cũ đã bị sạt lở và khiến hồ cạn kiệt đến nỗi nông dân địa phương phải chịu hạn hán nghiêm trọng. Ông ra lệnh cho đắp một con đê chắc chắn hơn và cao hơn. Với một con đập kiểm soát dòng chảy, nông dân đã có đủ nước để canh tác và vấn đề hạn hán cũng giảm hẳn. Sinh kế của người dân địa phương Hàng Châu được cải thiện trong những năm sau đó. Bạch Cư Dị sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình để ngao du Tây Hồ, ghé thăm nó gần như mỗi ngày. Ông cũng ra lệnh xây dựng một đường đắp nối từ Cầu gãy với Đồi đơn độc để cho phép đi bộ, thay vì phải đi thuyền. Sau đó, ông cho trồng một loạt cây liễu và các loại khác dọc quanh đê, biến nó trở thành một địa điểm tuyệt đẹp để du ngoạn.

Là một trong Bảy Cố đô của Trung Quốc, Hàng Châu lần đầu tiên trở thành kinh đô của một vương triều khi nước vua Ngô Việt quyết định định đô tại đây trong thời kỳ Ngũ đại Thập quốc. Lúc bấy giờ, Hàng Châu có tên là Tây Phủ (西府)[7] và là một trong 3 trung tâm văn hóa chính của miền nam Trung Quốc bên cạnh Nam Kinh và Thành Đô.[8] Các vua Ngô Việt đã được ghi nhận là những nhà bảo trợ nghệ thuật, đặc biệt về kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật Phật giáo.[9] Hàng Châu cũng trở thành một trung tâm quốc tế, thu hút các học giả từ khắp Trung Quốc, tiến hành ngoại giao với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc và cả với Nhật Bản, Cao Ly và Khiết Đan Quốc.

Dưới thời nhà Tống

Năm 1089, khi một nhà thơ nổi tiếng khác là Tô Đông Pha làm quan tại đây, ông đã huy động 20 vạn nhân công để đắp một con đường đắp dài qua Tây Hồ. Hồ đã từng là một đầm phá hàng chục ngàn năm trước. Phù sa sau đó bồi đắp, chắn đường ra biển của dòng nước và hình thành nên hồ. Một mũi khoan dưới lòng hồ năm 1975 đã tìm thấy trầm tích của biển, xác nhận nguồn gốc của nó. Các phương pháp bảo tồn nhân tạo ngăn không cho hồ phát triển thành một vùng đầm lầy. Hai con đê băng ngang Tây Hồ là Tô đê (苏堤) do Tô Đông Pha và Bạch đê (白堤) do Bạch Cư Dị xây, đều được xây dựng sử dụng bùn nạo vét từ đáy hồ. Hồ được bao quanh bởi những ngọn đồi ở phía bắc và phía tây. Ở phía bắc hồ là chùa Bảo Thục (保俶塔), tọa lạc trên đồi Bảo Thạch (宝石山).

Dưới thời nhà Tống, ở Hàng Châu có rất nhiều thương nhân Ả Rập sinh sống, do thực tế là vào thời kỳ này, thương mại trên biển được ưa thích hơn tuyến đường thương mại bằng đường bộ.[10] Hiện nay, người ta vẫn tìm thấy có chữ khắc tiếng Ả Rập từ thế kỷ 13 và thế kỷ 14. Vào cuối đời nhà Nguyên, người Hồi giáo đã bị đàn áp thông qua việc họ bị cấm thực hiện các nghi thức truyền thống và chính điều này đã khiến nhiều người Hồi giáo tham gia vào các cuộc nổi dậy chống lại người Mông Cổ.[11] Trong số các thánh đường Hồi giáo còn tồn tại đến ngày nay, có Phượng Hoàng tự đã được một thương nhân người Ai Cập dựng lên sau khi ông ta chuyển đến Hàng Châu sinh sống.[12] Nhà du hành người Ý thế kỷ 13–13 Odoric xứ Pordenone miêu tả rằng Hàng Châu là thành phố vĩ đại nhất thế giới. Thành phố có lượng dân cư đông đúc và nhà cửa trùng điệp. Hàng Châu có mười hai ngàn cây cầu. Bánh mì, thịt lợn, gạo và rượu, tất cả đều rất phong phú dù dân số đông. Nhà du hành người Maroc Ibn Battuta được biết là đã đến thăm Hàng Châu vào năm 1345; ông ghi nhận sự quyến rũ của nó và mô tả rẳng thành phố nằm tựa bên một hồ nước tuyệt đẹp và được bao quanh bởi những ngọn đồi xanh biếc.[13] Trong thời gian ở Hàng Châu, ông đặc biệt ấn tượng với số lượng lớn tàu thuyền Trung Quốc bằng gỗ được chế tạo tốt và được sơn tốt với những cánh buồm màu và mái hiên bằng lụa trên kênh rạch. Ông tham dự một bữa tiệc được tổ chức bởi Qurtai, một viên quan người Mông Cổ, người mà theo Ibn Battuta là rất thích các kỹ năng của các nghệ sĩ biểu diễn Trung Quốc địa phương.[14]

"Thắng cảnh Tây Hồ" của Lý Tung (1190–1264), miêu tả tháp Lôi Phong dưới thời Nam Tống.

Hàng Châu được chọn làm kinh đô nhà Nam Tống vào năm 1132.[15] Sau sự biến Tĩnh Khang, khi cả Tống Khâm Tông lẫn Thượng hoàng Tống Huy Tông đều bị người Kim bắt, trong khi phần lớn miền Bắc Trung Quốc bị quân Kim chiếm đoạt,[16] một số thành viên còn lại trong Hoàng tộc đã rút lui khỏi kinh đô Khai Phong về phía Nam.[17][18] Tống Cao Tông định đô tại Nam Kinh, sau đó đến Thương Khâu, rồi lại chuyển đến Dương Châu vào năm 1128 và cuối cùng đến Hàng Châu vào năm 1129.[17] Triều đình nhà Tống dự định coi Hàng Châu như là một kinh đô tạm thời, nhưng trong nhiều thập kỷ, Hàng Châu đã phát triển thành một trung tâm thương mại và văn hóa lớn của triều nhà Tống, phát triển từ một thành phố tầm trung không có tầm quan trọng đặc biệt để trở thành một trong những thành phố thịnh vượng và lớn nhất thế giới.[19] Khi ý chí tái chiếm Trung Nguyên ngày càng ít đi, các cung điện ở Hàng Châu đã được mở rộng và cải tạo để phù hợp hơn với vị thế là một thủ đô đế quốc vĩnh viễn. Hoàng cung Hàng Châu có kích thước khá khiêm tốn so với cá cung điện đời trước, đã được mở rộng vào năm 1133 với những trường lang được lợp ngói, và vào năm 1148 với tường thành xung quanh được nới rộng.[20]

Hàng Châu vẫn tiếp tục là kinh đô nhà Nam Tống từ năm 1138 cho đến khi bị Mông Cổ xâm chiếm năm 1276. Lúc bấy giờ, thành Hàng Châu có tên gọi là thành Lâm An. Nó là trung tâm của Nam Tống, là một trung tâm thương mại và giải trí. Trong thời gian đó, thành Hàng Châu là một trung tâm hấp dẫn của nền văn minh Trung Hoa, bởi lẽ nơi từng được coi là "Trung Nguyên" nay đã rơi vào tay của người Nữ Chân mà người Hán coi là người mọi rợ.

Dưới thời nhà Tống, vô số triết gia, chính trị gia và những thi sĩ, bao gồm một số nhà thơ nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc như Tô Đông Pha, Lục DuTân Khí Tật đã từng sống và cũng đã mất ở đây. Hàng Châu cũng là nơi sinh và là nơi an nghỉ cuối cùng của nhà khoa học Trầm Quát (1031–1095), mộ của ông hiện tọa lạc ở quận Dư Hàng.[21]

Vào thời Nam Tống, dưới sự mở rộng thương mại, dòng người tị nạn từ phía bắc, cũng như từ sự phát triển của các cơ sở chính thức và quân sự, đã dẫn đến sự gia tăng dân số trong lần bên ngoài bên ngoài bức tường thành được xây từ thế kỷ 9. Theo Encyclopædia Britannica, Hàng Châu vào thời điểm này có hơn 2 triệu nhân khẩu, trong khi nhà sử học Jacques Gernet đã ước tính rằng dân số Hàng Châu lên tới hơn một triệu vào năm 1276.(Số liệu thống kê dân số chính thức của Trung Quốc năm 1270 đã liệt kê khoảng 186.330 hộ gia đình, tuy nhiên nhiều khả năng rằng họ đã không thể tính toàn bộ số người tị nạn lẫn binh sĩ). Người ta tin rằng Hàng Châu là thành phố lớn nhất thế giới từ năm 1180 đến 1315 và từ 1348 đến 1358.[22][23]

Do dân số quá đông và lượng nhà làm gỗ dày đặc (thường là nhiều tầng), Hàng Châu đặc biệt dễ bị hỏa hoạn. Nhiều đám cháy lớn đã phá hủy các phần lớn của thành phố vào năm 1132, 1137, 1208, 1229, 1237 và 1275 trong khi các đám cháy nhỏ hơn xảy ra gần như hàng năm. Chỉ riêng vụ cháy 1237 đã được ghi nhận đã phá hủy 30.000 ngôi nhà. Để chống lại mối đe dọa này, triều đình nhà Tống đã thiết lập một hệ thống phức tạp để chữa cháy, dựng lên các tháp canh, nghĩ ra một hệ thống đèn lồng và tín hiệu cờ để xác định nguồn gốc của ngọn lửa nhằm chỉ đạo phản ứng kịp thời và buộc hơn 3.000 binh sĩ có nhiệm vụ dập tắt ngọn lửa.

Thời Nguyên

Thành Hàng Châu bị quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Hốt Tất Liệt bao vây và công chiếm vào năm 1276, 3 năm trước khi nhà Nam Tống sụp đổ hoàn toàn.[24] Hốt Tất Liệt lên ngôi Hoàng đế, cải quốc hiệu là Đại Nguyên, đóng đô ở Đại Đô (Bắc Kinh), nhưng Hàng Châu vẫn là một trung tâm thương mại và hành chính quan trọng của vùng Giang Nam.

Nhà Nguyên Trung Quốc rất cởi mở với du khách tứ phương và một số nhà du hành khi trở về phương Tây đã mô tả Hàng Châu—dưới tên Khinzai,[25] Quinsai,[26] Campsay[27]—như là một trong những thành phố nổi tiếng nhất thế giới. Thương gia người Venezia Marco Polo được cho là đã đến viếng thăm Hàng Châu vào thế kỷ 13. Trong cuốn sách của mình, ông miêu tả thành phố này "lớn hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới"[19] và rằng "số lượng và sự giàu có của các thương nhân và số lượng hàng hóa qua tay họ rất lớn mà thậm chí không ai có thể ước tính". Các ghi chép của Polo về thành phố rất có khả năng đã phóng đại kích thước của nó, mặc dù nó được miêu tả là có tường thành dài hơn trăm dặm, nhưng sẽ hợp lý hơn nếu đơn vị đo lường này là dặm Trung Quốc, thay vì dặm Ý.[28] Còn con số "12.000 cây cầu đá" có khả năng là một lỗi sao chép bắt nguồn từ 12 cổng thành.[29] Vào thế kỷ 14, khi nhà du hành người Maroc Ibn Battuta đến thăm Hàng Châu, mà ông gọi là al-Khansā, ông đã miêu tả thành phố này là "thành phố lớn nhất trên mặt đất mà tôi từng thấy."[30][31][32]

Từ thời nhà Minh đến nay

Thành Hàng Châu vẫn là một hải cảng quan trọng cho đến giữa thời nhà Minh, khi bến cảng của nó dần bị phù sa bồi đắp. Dưới thời nhà Thanh, nơi đây là nơi đóng quân đồn trú của quân đội.[33]

Vào năm 1856 và 1860, Thái Bình Thiên Quốc chiếm đóng Hàng Châu. Thành phố đã bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến này.

Hàng Châu được cai trị bởi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dưới thời Quốc dân đảng từ năm 1927 đến năm 1937. Từ năm 1937 đến năm 1945, thành phố bị Nhật Bản chiếm đóng. Quốc dân đảng trở lại vào năm 1945 và cai trị cho đến năm 1949. Vào ngày 3 tháng 5 năm 1949, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến vào Hàng Châu và thành phố này rơi vào tay đảng Cộng sản. Sau khi các chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình bắt đầu được áp dụng vào cuối năm 1978, Hàng Châu đã tận dụng lợi thế của việc nằm ở đồng bằng sông Dương Tử để thúc đẩy sự phát triển của nó. Chính vì vậy mà Hàng Châu hiện là một trong những thành phố lớn thịnh vượng nhất của Trung Quốc.

Vào tháng 9 năm 2015, Hàng Châu đã giành quyền đăng cai Á vận hội 2022. Đây sẽ là thành phố thứ ba ở Trung Quốc đăng cai Đại hội thể thao châu Á sau Bắc Kinh 1990 và Quảng Châu năm 2010.[34] Hàng Châu cũng là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 11 vào năm 2016.[35]

Vào tháng 2 năm 2020, thành phố đã bị áp dụng lệnh giới nghiêm sau khi dịch COVID-19 bắt đầu ở Vũ Hán lan rộng khắp Trung Quốc.[36][37]